Ai cũng nghĩ, kinh doanh phải thủ đoạn mới mau giàu. Thế nhưng, bạn sẽ phải thay đổi cách nhìn nhận đó khi đọc bài viết này. Thì ra, chỉ bằng đạo đức, chuyên viên kinh doanh cũng có thể đem lại nguồn thu nhập tốt mà chẳng cần tốn một xu nào.
Từ đạo đức đến thành công thật sự là một ranh giới rất mong manh. Thế mới nói “Lời cả đời” là do vậy!
1 – Hãy trung thực trong cả giao tiếp và hành động
Những chuyên viên có đạo đức luôn trung thực và đáng tin cậy, trong từng lời nói, cử chỉ, đến hành động. Họ luôn nói sự thật kể cả khi sự thật đó không có gì tốt đẹp.
Để làm được điều đó, chuyên viên tư vấn không cố tình gây hiểu lầm hoặc lừa gạt người khác bằng cách xuyên tạc, nói quá, chỉ nói một phần sự thật, né tránh những vấn đề tiêu cực hoặc bằng bất kỳ phương cách nào.
Bạn phải cung cấp những thông tin thực tế và thông tin liên quan đến sản phẩm một cách không những chính xác mà còn đầy đủ, thậm chí, cung cấp thêm cả thông tin bên lề của sản phẩm, sao cho khách hàng hiểu tường tận chân tơ kẽ tóc của sản phẩm đó. Chỉ cần làm 1 điều rất nhỏ, rất dễ dàng là nói đúng những gì đang diễn ra, bạn đã tự tạo nên nguồn khách hàng trung thành mà không tốn một xu nào.
Các công ty phải dành hàng chục tỷ mỗi năm để xây dựng lòng trung thành cho khách hàng, trong khi cách duy nhất để khách hàng trung thành một cách tự nguyện đó là kinh doanh trung thực, công bằng và minh bạch, như chính cách Amazon đã áp dụng và tạo nên đế chế lớn mạnh như hôm nay. Với Amazon, nguồn khách hàng đến từ Marketing với họ chỉ là thứ yếu, sự trung thực xuyên suốt trong từng hành động đã khiến họ tạo nên mạng lưới khách hàng lớn mạnh và bền vững như hôm nay.
2 – Duy trì tính chính trực
Những chuyên viên có đạo đức luôn nhận được sự tin tưởng từ người khác nhờ vào tính chính trực. Chính trực nói ngắn gọn là sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Tính chính trực được chứng minh bởi tính nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động.
Chính trực, về bản chất, phải được hình thành và tự kiểm soát từ bên trong mỗi người. Việc duy trì tính chính trực đòi hỏi lòng dũng cảm, lý trí, tinh thần trách nhiệm, để buộc bản thân phải làm điều đúng ngay cả khi phải trả giá hoặc mất đi một lợi ích nào đó, miễn là đảm bảo được sự công bằng và đúng đắn với khách hàng.
Những chuyên viên tư vấn chính trực thường rất nguyên tắc, cao quý, ngay thẳng và khắt khe với bản thân. Họ đấu tranh cho cán cân đạo đức của mình và không bao giờ vi phạm nguyên tắc trong bất cứ trường hợp nào. Cũng chính điều đó vô tình giúp họ xây dựng niềm tin bền vững trong mắt khách hàng và chính cả ông chủ của mình, để dễ dàng hơn trong mọi giao dịch về sau, và thăng tiến chỉ trong một nốt nhạc.
Howard Schultz – CEO của Starbucks cũng từng nói “Tôi sẽ ngay tức khắc dừng hợp tác với đối tác hay sa thải nhân viên nếu họ có biểu hiên không chính trực”, bởi chính trực là cốt lõi của sự phát triển bền vững không chỉ của mỗi cá nhân mà của cả doanh nghiệp.
3 – Giữ lời hứa và thực hiện cam kết
Lời hứa và cam kết là yếu tố “chốt sale” cuối cùng trong mọi cuộc tư vấn. Thế nhưng, khi những cam kết ấy không được thực hiện thì sẽ phản tác dụng vô cùng. Bạn cũng đừng bao giờ đưa ra những lời bào chữa ngụy biện để hợp lý hóa việc không tuân thủ cam kết của mình, điều đó chỉ khiến bạn trở thành kẻ “lươn lẹo” và càng khiến khách hàng khó chịu.
Nên nhớ rằng, khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà họ còn mua sự an tâm, sự đảm bảo khi sử dụng sản phẩm. Khi đó, sản phẩm không chỉ mang lợi ích chức năng, mà còn mang lợi ích cảm tính về mặt tinh thần. Lời hứa đảm bảo điều đó.
Một lời hứa thương hiệu được khách hàng tin tưởng sẽ đem lại nhiều lợi ích. Khi khách hàng hài lòng, họ sẽ không chỉ mua sản phẩm nhiều hơn, mà còn chia sẻ với bạn bè, người thân xung quanh về bạn và công ty bạn.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, con người có xu hướng chia sẻ nhiều hơn trên mạng xã hội. Những phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, blog, Instagram… sẽ là những công cụ tuyệt vời để tạo nên và lan truyền hình ảnh thương hiệu của bạn và công ty bạn, chỉ bằng một cách thức đơn giản là giữ lời hứa.
Một minh chứng điển hình, McDonald’s luôn làm tốt lời hứa thương hiệu của họ: một bữa ăn không đắt đỏ, dễ ăn, được phục vụ nhanh chóng trong một môi trường an toàn vệ sinh. Chính lời hứa thương hiệu và việc duy trì hoàn hảo lời hứa đó đã giúp McDonald’s “sống tốt”, cho dù ngay xung quanh là những đối thủ cạnh tranh có lợi thế vượt trội.
4- Thể hiện sự quan tâm thật sự đến hạnh phúc của những người khác
Những chuyên viên bán hàng tốt thường là những người chu đáo, tâm lý, bao dung và tốt bụng. Bởi chỉ trái tim mới chạm được đến trái tim, chỉ khi quan tâm đến nhu cầu của khách hàng như chính nhu cầu của mình mới khiến khách hàng mở lòng nói về nhu cầu thật sự của mình.
Bên cạnh đó, trong tiếp thị bán hàng, ai hiểu tâm lý khách hàng hơn, người đó thắng. Hiểu tâm lý khách hàng không phải để lừa khách hàng. Hiểu tâm lý khách hàng để lựa chọn đặc điểm phù hợp nhất của sản phẩm nhằm gây chú ý đến họ. Và để hiếu tâm lý khách hàng, cách duy nhất là quan tâm thật sự đến họ.
Dành sự quan tâm cho khách hàng có thể thể hiện ở việc bạn luôn làm cho họ nhớ tên bạn và bạn phải luôn liên lạc với khách hàng ngay cả khi cuộc bán hàng đã thành công. Bạn phải chăm sóc họ thường xuyên thì họ mới có thể nhớ đến bạn cùng sản phẩm dịch vụ của bạn. Để tăng lượng khách hàng tiềm năng cho mình, bạn có thể xin khách hàng giới thiệu đối tác mới cho mình.
Thể hiện sự chân thành và chuyên nghiệp bằng cách gọi điện thoại cảm ơn sau mỗi cuộc thăm viếng sẽ làm khách hàng cảm nhận được sự quan tâm của bạn. Bạn cũng nên tự tay viết và gửi bưu thiếp, email để cảm ơn khách hàng vì như thế sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho họ hơn.
Có một bí quyết có thể giúp bạn bán hàng dễ dàng hơn chính là học cách trở thành đồng minh trong mỗi thương vụ. Có như vậy thì bạn mới tránh đi sự phàn nàn và nhận được sự góp ý chân thành từ khách hàng để bạn làm tốt hơn.
Đồng thời, bạn phải trở thành một chuyên gia mà khách hàng luôn tin tưởng. Khái niệm chuyên gia không bó hẹp trong lĩnh vực mà bạn hoạt động. Bạn có thể kết hợp chia sẻ, trao đổi và lắng nghe về mọi mặt cuộc sống như kinh tế, chính trị, xã hội,…như vậy vấn đề mua bán hàng sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Vì vậy, hãy là một người bao dung, chu đáo, quan tâm đến khách hàng và cả những người xung quanh họ. “Yêu thương” là nguồn vốn tự thân đáng giá nhất mà bạn đang sở hữu, hoặc dễ dàng rèn luyện để sở hữu, vậy thì dại gì mà không phát huy điều đó cho mục đích làm giàu chính đáng của mình?
5- Hãy đối xử với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng
Một trong nguyên tắc cơ bản của chuyên gia bán hàng chính là phải luôn cư xử với mọi khách hàng như là khách hàng tiềm năng của mình. Phải luôn tôn trọng khách hàng, lịch sự và đối xử với tất cả mọi người với sự tôn trọng và bình đẳng đồng đều, bất kể giới tính, chủng tộc hay độ tuổi, tài chính.
Nên nhớ rằng, chỉ một sơ suất nhỏ, chứ không phải là một lỗi lầm gì to tát vẫn có thể để lại ấn tượng dai dẳng trong suy nghĩ cũa khách hàng.
Việc được tôn trọng khiến khách hàng cảm thấy mình thật sự là “thượng đế” và cởi mở hơn trong việc thể hiện, trao đổi các nhu cầu của mình, và xóa tan khoảng cách với chuyên viên tư vấn. Việc được tôn trọng cũng khiến những khách hàng từng từ chối sản phẩm của bạn sẽ quay lại tìm bạn đầu tiên khi họ phát sinh nhu cầu.
Lại thêm một cú lời ngoạn mục chỉ bằng cách rèn luyện đạo đức của bản thân, rất đáng phải không?
6 -Theo đuổi sự hoàn hảo tuyệt đối
Những chuyên viên có đạo đức theo đuổi sự hoàn hảo tuyệt đối trong mỗi giao dịch, bằng việc chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng tài liệu tư vấn, những cách xử lý tình huống dự trù khi gặp khách hàng, hay những phương tiện điện tử như điện thoại, laptop luôn được sạc đầy pin…, và không ngừng nỗ lực để nâng cao trình độ của họ trong tất cả các lĩnh vực.
Các bạn cần nhớ, đừng bao hài lòng với những thứ gọi là “tạm chấp nhận được”, “tạm ổn”, và không được phép để bản thân mình chìm trong sự ổn định, bởi nó có thể cho bạn sự hài lòng và an nhàn trước mắt, nhưng dễ dàng đẩy bạn lùi lại phía sau. Và khi đó, những cuộc gặp của bạn với khách hàng chỉ mãi là những kịch bản cũ mèm, lạc hậu, cùng những rủi ro xảy đến bất cứ lúc nào mà không có phương án dự phòng.
Núi cao còn có núi cao hơn, huống chi bạn thậm chí còn “chưa cao”. Rồi bạn “rớt khách” như một điều hiển nhiên đã được báo trước. Vậy nên, hãy luôn theo đuổi sự hoàn hảo tuyệt đối để cứu lấy chính mình.
7 – Xây dựng và bảo vệ danh tiếng của công ty
Những chuyên viên giỏi luôn hiểu rõ tầm quan trọng của danh tiếng công ty, bởi nó không những ảnh hưởng đến chính họ mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực của cả công ty.
Họ tránh những lời nói hoặc hành động có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty, đồng thời, ngăn chặn và điều hướng những hành động, suy nghĩ tiêu cực của các nhân viên khác về công ty mình.
Cho dù công ty cũ những điểm không tốt, việc nói xấu công ty cũng chẳng khác gì “bôi đen” lên chính mình. Suy cho cùng, công ty dù tốt đến mấy cũng có những điểm khiến bạn chưa hài lòng và ngược lại, công ty dù tệ đến mấy cũng có những điểm sáng nhất định, bởi ai cũng có thước đo hoàn hảo của riêng mình. Không có gì là tốt tuyệt đối, cũng không có gì là xấu tuyệt đối.
Khi mọi thành viên đều đồng lòng bảo vệ danh tiếng của công ty, chính là các bạn đang tự nâng giá trị của mình lên, bởi nhân viên của một công ty tốt thì chắc chắn chẳng phải kẻ tầm thường!
Sao phải đi nói xấu công ty cho “sướng miệng” mà chẳng được bất cứ lợi ích gì, thậm chí còn gây họa. Sao không thử làm ngược lại, để nhận được nhiều hơn thế. Gieo nhân nào gặt quả ấy là có thật, bạn tin không?
Ở Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng nào về nguyên tắc đạo đức của chuyên viên kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, Phúc Hưng Group đưa ra những quy tắc đạo đức nghề nghiệp này cho các nhân viên của mình, chính là mong rằng cộng đồng sẽ có sự ghi nhận những đạo đức nghề nghiệp đối với loại hình dịch vụ này, khẳng định được vị trí của nghề kinh doanh bất động sản, rằng nghề này cũng được xã hội tôn trọng như bao nghề cao quý khác!